Hiện nay, với sự hiện hữu của kinh tế, nhiều bạn trẻ có niềm đam mê viết lách nhưng vẫn còn băn khoăn: ‘Làm thế nào để sống với nghề viết lách’, ‘Nghề viết lách có đủ sống hay không?’
Bài viết sau là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt và nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ về câu chuyện đời, chuyện nghề viết lách
Anh chị tâm sự rằng
Phải làm nghề khác để nuôi dưỡng tâm hồn văn chương
Từ trải nghiệm của bản thân, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói: “Mọi người nghĩ rằng có lẽ nhiều nhà thơ, nhà văn có tác phẩm được nhiều bạn đọc đón nhận sẽ có khá nhiều tiền. Nhưng thật ra, nhiều người sống bằng nghề viết như mình đều làm những việc khác để có nguồn lực theo đuổi đam mê của bản thân”.
Anh Việt cho biết thêm, nghề viết nói chung vẫn là nghề nuôi sống anh từ ngày đầu tiên vào đời cho đến giờ. Từ nghề báo yêu thích ban đầu cho đến làm Copywriter, PR, Marketing hay hiện tại là những công việc liên quan đến kịch bản điện ảnh. Nghề viết hỗ trợ gần như tất cả mọi công việc của anh.
Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, nếu tách riêng việc sáng tác thơ thì anh luôn xem đó là niềm vui. Và đã là niềm vui thì ai cũng cố gắng giữ gìn. Dù công việc sáng tác nói cho đúng là công việc không dễ, đòi hỏi cảm xúc cá nhân nhiều. Trên hết là những thành quả nó mang lại thật sự không thể tính bằng giá trị vật chất nếu như ai đó muốn toan tính về việc ấy. Sáng tác ở Việt Nam thật sự chỉ có một số ít tác giả được xem là sống được, còn lại chỉ là một sở thích trong cuộc sống.
Còn nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang tâm sự: “Con đường duy nhất mà mình chọn là dành tất cả cho văn chương. Bắt đầu sáng tác từ năm 7 tuổi, mình bắt đầu làm thơ, viết sách, làm báo, kinh doanh,… Sự theo đuổi văn chương sẽ không đem lại tài chính hay cuộc đời hạnh phúc từ sự nổi tiếng mà nó tạo cho mình cơ hội được đối diện với chính mình, diễn tả tư tưởng, cảm xúc tích cực, truyền tải những điều tốt đẹp với độc giả”.
“Chúng mình có thể làm bất cứ công việc nào tích cực nhất đáp ứng thu nhập cá nhân và quan trọng là để nuôi dưỡng tâm hồn văn chương. Như anh Phong Việt làm kinh doanh, truyền thông, mình cũng viết sách, làm báo, kinh doanh, truyền thông,… Chúng ta không thể nào sáng tác nếu như cứ nghĩ tập thơ này kiếm bao nhiêu tiền. Đó là khi chúng ta sẽ không sống thật với mình. Làm thơ, viết văn không chỉ là bày tỏ suy nghĩ, tư tưởng, cũng không phải là thư giãn hay sự giải trí mà là nhiệm vụ của người viết. Nếu như không sáng tác thì sẽ tạo nên một khoảng trống trong tâm hồn người viết. Vì vậy để cuộc sống trở nên tràn đầy, chúng mình vẫn phải tiếp tục làm thơ, viết văn”, chị Trang cho hay
Để giữ niềm đam mê viết lách
Nói về khó khăn của nghề viết lách, anh Việt cho biết đó là một lựa chọn phải trả giá khá nhiều vì nó không đảm bảo cho bạn một cuộc sống tối thiểu để tập trung viết. Nó sẽ bắt bạn suy nghĩ và ám ảnh rất nhiều trong suốt quá trình trước, trong và sau khi hoàn thành tác phẩm. Nó cũng sẽ có thể làm bạn căng thẳng nếu tác phẩm ấy sau nhiều ngày “thai nghén” cho đến khi ra đời lại không được mọi người chú ý… Có hàng trăm câu chuyện xoay quanh đó sẽ làm bạn mệt mỏi thật sự.
Cũng theo anh Việt, việc sáng tác là một phần của cuộc sống anh, không đại diện cho tất cả con người anh. Và thành công hay không cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc mưu sinh hằng ngày mà anh đang làm. Không cần đặt ra mục tiêu quá cao, sáng tác với tâm thế thoải mái nhất có thể chính là cách anh chọn để không bị stress với nó. Ngoài ra, với anh sáng tác cũng là cách cân bằng cuộc sống bên cạnh những thú vui giải trí khác.
“Với những bạn trẻ muốn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề viết lách, mình nghĩ các bạn phải luôn có một công việc khác thật sự ổn định và đảm bảo chu toàn cho cuộc sống cá nhân của các bạn. Chỉ như thế các bạn mới có cơ hội vùng vẫy nhiều với trang viết của mình, còn không thì riêng việc cơm áo mỗi ngày có thể đã giết chết sự sáng tạo và bay bổng trong bạn”, anh Việt khuyên.
Chị Quỳnh Trang cũng cho biết để viết được tiểu thuyết, chị phải đọc nhiều tài liệu và đeo đuổi quá trình viết đến cùng. Khi viết, chị luôn phải dừng lại các công việc hiện tại trong khoảng 2, 3 tháng và để dành một khoản thu nhập để vừa viết vừa đảm bảo cuộc sống. Hành trình ấy, đôi khi mệt mỏi, kéo dài 2, 3 năm, hoặc không dừng lại.
Chị Trang nhắn nhủ: “Khi nói về văn chương, mình nghĩ rằng hãy yêu nó một cách vô tư nhất, thương nó một cách hồn nhiên nhất. Và những điều hay sẽ đến với mình bằng những con đường khác nhau. Có thể là những người bạn đồng tư tưởng, cũng có thể là những độc giả trân trọng”.
Trên đây là những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề viết mà các anh chị đi trước gửi ngắm lại. Có lẽ Uplendi chỉ chia sẻ “Nghề viết cần cái tâm, nó cần được nuôi dưỡng đam mê lẫn cả tâm hồn” bằng việc chuyên cần đọc và học từ sách hay những người giỏi hơn mình. Các bạn cũng dõi theo các bài viết về chuyện đời, chuyện nghề viết lách đê ủng hộ nhóm mình nhé!
Uplendi via thanhnien